Thống nhất thảo nguyên Mông Cổ Thành_Cát_Tư_Hãn

Châu Á vào khoảng năm 1200.

Vùng thảo nguyên Mông Cổ vào khoảng thời gian cuối thế kỷ XII và đầu thế kỷ XIII được phân chia giữa một vài bộ lạc hay liên minh bộ lạc, nổi bật như người Naiman (Nãi Man), Merkit (Miệt Nhi Khất), Uyghur (Duy Ngô Nhĩ), Tatar, Mongol (Mông Cổ), Kerait (Khắc Liệt),... thường có xung đột với những cuộc đột kích, cướp bóc, trả thù lẫn nhau.

Xây dựng liên minh đầu tiên

Temüjin bắt đầu sự nghiệp bằng cách liên minh với một người bạn của cha ông là Toghrul (Thoát Lý hay Thoát Oát Lân - tự xưng là Vương Hãn), thủ lĩnh của bộ lạc Kerait gần Trung Hoa, được nhà Kim phong tước Hãn vương năm 1197. Mối quan hệ này ban đầu được tăng cường khi Temüjin đến biếu cho Toghrul một chiếc áo lông chồn đen đồng thời nhận ông ta làm cha đỡ đầu. Đến khi Bột Nhi Thiếp bị người Merkit bắt (khoảng năm 1177 hay 1180), Toghrul cho Temüjin mượn 20.000 chiến binh Kerait và đề nghị Temüjin mời cả người bạn thời thơ ấu Jamukha khi đó đang là thủ lĩnh bộ lạc Jadaran (Trát Đạt Lan) cùng tiếp ứng[11], vì Jamukha cũng có tư thù với người Merkit khi bị họ bắt cóc lúc nhỏ.

Temüjin đã nhờ hai người em trai đến gặp Jamukha và người anh em kết nghĩa này đã cho ông mượn thêm 10.000 quân nữa, đồng thời hẹn Temüjin và Toghrul tập kết ở vùng Botoqan Bo'orji ở thượng nguồn sông Onon 3 ngày sau đó.

Mặc dù việc giải cứu Bột Nhi Thiếp thành công và họ đánh bại hoàn toàn người Merkit, nhưng lại khởi nguồn cho sự chia rẽ giữa hai người anda (an đáp) thời thơ ấu là Temüjin và Jamukha.

Các kẻ thù chính của liên minh Mông Cổ vào khoảng năm 1190-1200 là người Naiman ở phía tây, Merkit ở phía bắc, Đảng Hạng ở phía nam và nhà Kim cùng người Tatar ở phía đông. Năm 1190, Thiết Mộc Chân cùng những người theo ông chỉ thống nhất được một lượng nhỏ người Mông Cổ. Trong các bộ lạc chiếm được, ông thực hiện việc cai trị theo cung cách khác với truyền thống của người Mông Cổ bằng cách ủy quyền cho những người xứng đáng và trung thành chứ không dựa trên quan hệ gia đình. Thiết Mộc Chân sau đó đã ban hành bộ luật bằng văn bản cho người Mông Cổ, gọi là Yassa, và ông ra lệnh phải tuân thủ bộ luật này một cách nghiêm ngặt để xây dựng tổ chức và quyền lực trong phạm vi vương quốc của mình.[12] Như là sự khuyến khích cho việc phục tùng tuyệt đối và tuân thủ các quy tắc trong luật pháp của ông, bộ luật Yassa, Thiết Mộc Chân cam kết dành cho thần dân và binh lính sự giàu có từ các chiến lợi phẩm thu được trong tương lai. Khi đánh bại các bộ lạc thù địch, ông không ruồng bỏ binh lính của họ mà đặt các bộ lạc đó dưới sự bảo hộ của mình và hợp nhất các thành viên của các bộ lạc đó vào bộ lạc của mình. Mẹ ông còn nhận những đứa trẻ mồ côi từ các bộ lạc đó để nuôi. Những điểm mới trong chính sách của ông đã gây dựng được niềm tin và lòng trung thành từ những người bị chế ngự, làm cho Thiết Mộc Chân trở nên mạnh hơn sau mỗi chiến thắng.[13]

Năm 1201, một kurultai do Hợp Đáp Cân cùng 11 bộ lạc khác tổ chức đã bầu Trát Mộc Hợp làm Cổ Nhi Hãn (Gur khan), một tước hiệu được những người trị vì hãn quốc Cáp Lạt Khiết Đan dùng, để liên binh tấn công Thiết Mộc Chân. Liên minh này bị liên minh giữa Thiết Mộc Chân với Thoát Lý đánh bại, Trát Mộc Hợp phải chạy sang hàng Thoát Lý.

Con trai của Thoát Lý là Tang Côn (桑昆, Senggum) ghen tức với sức mạnh đang lên của Thiết Mộc Chân và sự thân mật của ông với cha mình. Tang Côn lập kế hoạch ám sát Thiết Mộc Chân. Thoát Lý, được cho là đã được Thiết Mộc Chân cứu mạng nhiều lần, lại ủng hộ con mình[14] và không hợp tác với Thiết Mộc Chân. Thiết Mộc Chân biết được ý đồ và cuối cùng đã đánh bại Tang Côn. Một trong những sự kiện cuối cùng làm đoạn tuyệt quan hệ giữa Thiết Mộc Chân và Thoát Lý là sự từ chối của Thoát Lý năm 1202 khi Thiết Mộc Chân đề nghị cưới con gái ông ta cho Truật Xích, con trai trưởng của ông, một dấu hiệu không tôn trọng trong văn hóa Mông Cổ. Hành động này dẫn tới sự chia cắt hai bên và là điềm báo một cuộc chiến tranh sẽ nổ ra. Thoát Lý liên minh với Trát Mộc Hợp, người khi đó đã chống lại Thiết Mộc Chân; tuy nhiên mâu thuẫn bên trong giữa Thoát Lý với Trát Mộc Hợp, cộng với sự chuyển hướng của một loạt các cựu liên minh sang phía Thiết Mộc Chân đã dẫn tới thất bại của Thoát Lý. Thoát Lý chạy tới chỗ của Thái Dương Hãn, thủ lĩnh bộ lạc Nãi Man, nhưng bị binh lính Nãi Man giết chết năm 1203. Thất bại này đã làm cho bộ lạc Khắc Liệt bị phân rã hoàn toàn.

Thành Cát Tư Hãn

Mối đe dọa trực tiếp kế tiếp đối với Thiết Mộc Chân là người Nãi Man, với Trát Mộc Hợp và những người theo ông này đã chạy tới đó tìm nơi nương tựa. Người Nãi Man đã không đầu hàng, mặc dù một bộ phận đã tình nguyện đứng về phía Thiết Mộc Chân. Trước khi Thiết Mộc Chân tấn công người Nãi Man và Trát Mộc Hợp thì một số tướng lĩnh đã chạy sang phía Thiết Mộc Chân, trong đó đáng chú ý có Tốc Bất Đài, sau trở thành một trong tứ khuyển nổi danh của Thiết Mộc Chân. Sau một vài trận chiến, Thiết Mộc Chân đã đánh bại Thái Dương Hãn vào cuối năm 1204 và Trát Mộc Hợp bị binh lính bắt trao cho Thiết Mộc Chân.

Theo Bí sử Mông Cổ, Thiết Mộc Chân một lần nữa mong muốn duy trì quan hệ bạn bè với Trát Mộc Hợp và đề nghị ông đứng về phía mình. Thiết Mộc Chân cũng đã giết những kẻ bán đứng Trát Mộc Hợp vì không mong muốn có những kẻ phản trắc trong hàng ngũ. Tuy nhiên, Trát Mộc Hợp đã từ chối, nói rằng bầu trời chỉ có một mặt trời mà thôi và đề nghị được chết bằng một cái chết cao quý theo tập quán là chết không rơi máu và được đáp ứng.

Phần còn lại của bộ lạc Miệt Nhi Khất đứng về phía người Nãi Man bị Tốc Bất Đài đánh bại. Thất bại của người Nãi Man đã làm cho Thiết Mộc Chân trở thành vị chúa tể duy nhất của bình nguyên Mông Cổ, nghĩa là tất cả các liên minh hùng mạnh khác hoặc là thất bại hoặc là bị hợp nhất dưới trướng của ông.

Với nhu cầu phải bảo vệ biên giới từ các quốc gia phía nam như đế quốc KimTây Hạ là những quốc gia trên địa bàn Trung Quốc ngày nay, ông đã tổ chức hệ thống của mình với sự tăng cường sức mạnh quân sự và đã khiến cho Trung Quốc bắt đầu cảm thấy khó chịu với quốc gia mới nổi Mông Cổ dưới thời đại của Thiết Mộc Chân. Cuối cùng họ đã có những hành động như ngăn cản việc tiếp tế lương thực, thực phẩm đi qua Mông Cổ ngày nay. Với những phẩm chất cá nhân và ý chí mạnh mẽ, Thiết Mộc Chân cuối cùng đã thống nhất được các bộ lạc trong một hệ thống duy nhất, một nét đặc trưng vĩ đại của Mông Cổ, là đất nước có lịch sử lâu đời của những cảnh huynh đệ tương tàn và gian khó về kinh tế.

Năm 1206 Thiết Mộc Chân đã liên kết thành công các bộ lạc Mông Cổ đang bị chia rẽ và tại hội nghị Kurultai (hội đồng các thủ lĩnh Mông Cổ) ông đã được phong là Thành Cát Tư Hãn (trong tiếng Mông Cổ thì Чингис Хаан có nghĩa là vua của cả thế giới).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thành_Cát_Tư_Hãn //nla.gov.au/anbd.aut-an35118014 http://www.britannica.com/EBchecked/topic/229093 http://www.fsmitha.com/h3/h11mon.htm http://www.historychannel.com/thcsearch/thc_resour... http://www.iranchamber.com/literature/articles/tal... http://necrometrics.com/pre1700a.htm#Mongol http://www.payvand.com/news/03/jun/1074.html http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://journals.ub.uni-heidelberg.de/index.php/jia... http://www.accd.edu/sac/history/keller/Mongols/emp...